(Chinhphu.vn) - Là cơ quan thông tin chính thống của Chính phủ trên internet, gần 3 năm qua, Website Chính phủ có bước phát triển mạnh mẽ, ngoài cả dự kiến ban đầu của những người thiết kế, xây dựng nên nó.
 |
Các cuộc giao ban truyền hìhh trực tuyến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trên Website Chính phủ đã mở ra một công cụ, một phương thức làm việc mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa tiết kiệm thời gian, công quỹ, vừa bảo đảm hiệu lực và hiệu quả điều hành - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Website Chính phủ (nay là Cổng TTĐT Chính phủ) được Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương hòa mạng internet toàn cầu ngày 10/1/2006. Trải qua gần ba năm vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày an toàn, hiệu quả cao, Website Chính phủ đã góp phần đem lại tác dụng thiết thực về chính trị, tư tưởng và hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước cũng như tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta.
Ba năm ra đời, quãng thời gian không dài so với tuổi đời của một số cơ quan thông tin, truyền thông khác, Website Chính phủ đã được giới chuyên môn đánh giá là có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng ngoài dự kiến ban đầu.
Phát triển ngoài dự kiến ban đầu
Cơ sở nào để khẳng định điều này! Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Biên tập Cổng TTĐT Chính phủ, Tiến sỹ Nguyễn Công Hóa, kiêm Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay, hàng ngày có trung bình hàng triệu lượt truy cập vào Website Chính phủ cả trang tiếng Việt, tiếng Anh và Trang tin Thủ tướng Chính phủ; có hơn 3 nghìn đơn vị vào khai thác toàn văn các văn bản pháp luật mỗi ngày.
Website Chính phủ được người sử dụng cả trong và ngoài nước biết đến như một địa chỉ cung cấp thông tin chính thức của Chính phủ trên internet, đồng thời đã trở thành địa chỉ tin cậy để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp cũng như những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân cả trong, ngoài nước gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Tổng Biên tập Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo cho chúng tôi biết, "trong thời gian qua, Website Chính phủ đã nhận được hàng nghìn bức thư của độc giả cảm ơn về việc những nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp phản ánh qua Website Chính phủ đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng nhận xét: "Thật tự hào khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, chúng ta có Website Chính phủ. Website Chính phủ đã trở thành thương hiệu của quốc gia".
 |
Website Chính phủ đã trở thành địa chỉ tin cậy - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Vì sao phải nâng cấp, phát triển Website Chính phủ lên Cổng TTĐT Chính phủ
Tiến sỹ Nguyễn Công Hóa cho biết, lộ trình phát triển Website Chính phủ khi xây dựng được xác định qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: 2006-2008, cung cấp thông tin dưới dạng tĩnh. Giai đoạn thứ hai: 2008-2010, chuyển sang hoạt động theo mô hình Cổng Thông tin điện tử, với chức năng Cổng tích hợp thông tin và cơ quan báo điện tử, truyền thông đa phương tiện của Chính phủ trên internet; kết nối với một phần các website của Bộ, ngành, địa phương để hình thành mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên internet; cung cấp thông tin về các dịch vụ công. Giai đoạn thứ ba: Từ năm 2010, hoàn thiện và phát triển nâng cao các ứng dụng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Trên thực tế, vể mặt công nghệ và cấu trúc nội dung dữ liệu, Website Chính phủ đã được thi công và đưa vào hoạt động như một Cổng TTĐT của Chính phủ, mặc dù hệ thống thiết bị, giao diện và phần mềm quản trị nội dung của nó vẫn mang thuộc tính của một website lớn. Do vậy, các máy chủ của Website Chính phủ đã hoạt động quá tải, dung lượng dự phòng hệ thống máy chủ khi xây dựng ban đầu đến nay còn rất hạn hẹp. Từ cuối năm 2007, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cấp Website Chính phủ thành Cổng TTĐT Chính phủ. Hiện nay, có hơn 200 website trên thế giới liên kết vào và lượng người truy cập ngày càng cao nên có lúc làm chậm tốc độ truy cập Cổng TTĐT Chính phủ. Các cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đã phải ngày đêm tìm mọi biện pháp khắc phục để bảo đảm vận hành hệ thống an toàn, Tiến sỹ Hóa chia sẻ.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, tất yếu khách quan phải nâng cấp, phát triển Website Chính phủ thành Cổng TTĐT Chính phủ theo đúng lộ trình đã xác định.
Định hướng nâng cấp, phát triển như thế nào
Tổng Biên tập Cổng TTĐT Chính phủ Phạm Việt Dũng cho biết, "Đây là sự nâng cấp trên cơ sở vừa kế thừa, vừa phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấu trúc thông tin hiện có của Website Chính phủ". "Cỗ máy đang vận hành, chúng ta nâng cấp nó lên để tạo ra một quy mô, chất lượng hoạt động mới đáp ứng yêu cầu khách quan, chứ không phải là dự án xây dựng", ông Phạm Việt Dũng nói thêm.
Theo Quyết định 83/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung nâng cấp, phát triển giai đoạn 2008-2010 tập trung vào những việc chính sau: Phát triển chức năng Báo điện tử Chính phủ theo giao diện web - based; vận hành các cửa giao tiếp: Chính phủ với Bộ ngành, địa phương (G2G), Chính phủ với công dân (G2C); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); kết nối và tích hợp nội dung thông tin vào Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ trên internet. Cổng thông tin điện tử sẽ cho phép người dùng truy cập mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại thiết bị khác nhau như trình duyệt hay thiết bị di động; kết xuất thông tin để xây dựng các báo cáo nghiệp vụ; theo dõi và quản lý an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Cổng...
Tổng Biên tập Phạm Việt Dũng cho hay, Phương án Kỹ thuật - Kinh tế nâng cấp Cổng TTĐT Chính phủ giai đoạn 2008-2010 do Ban Kỹ thuật-Công nghệ của Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ xây dựng sau hơn 1 năm qua 4 phiên bản vừa được Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín cao thuộc một số Bộ, ngành chức năng nhất trí 100% và đánh giá cao.
Ngày 23/12/2008, Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết định số 1628/QĐ-VPCP ngày 23/12/2008 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc ký, đã họp đánh giá, thẩm định Phương án này. Hội đồng gồm:
1. Tiến sỹ Hoàng Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng.
2. Tiến sỹ Chu Văn Vệ, Tổng Biên tập Tạp chí Viễn thông và Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên.
3. Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên.
4. Tiến sỹ Lê Phước Dũng, Giám đốc Nhà xuất bản Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên.
5. Tiến sỹ Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Xây dựng, Ủy viên.
6. Thạc sỹ Nhà báo Doãn Thị Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên.
7. Cử nhân Trần Ngọc Luân, Trưởng phòng Phòng Tích hợp và Phân tích Dữ liệu, Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ, Ủy viên, Thư ký Hội đồng.
|
Đầu tư, phát triển Cổng TTĐT Chính phủ ngang tầm các nước trong khu vực
|
TS. Hoàng Minh Hải (bên trái) và TS. Nguyễn Minh Sơn cho rằng, Cổng TTĐT Chính phủ phải đầu tư mạnh hơn nữa vào hạ tầng kỹ thuật Cổng, nhất là cấu hình máy chủ - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Tiến sỹ Hoàng Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho biết, các thành viên Hội đồng đánh giá Phương án Kỹ thuật - Kinh tế mà Cổng TTĐT Chính phủ và Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ xây dựng là khả thi, có sự chuẩn bị khá kỹ càng, đi đúng hướng theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, bắt đầu tiếp cận với trình độ của các nước trong khu vực. Các thành viên Hội đồng khi trao đổi cũng cho rằng, phương án đưa ra còn khiêm tốn (khoảng hơn 30 tỷ đồng cho cả 3 năm, từ 2008 đến 2010), chưa bằng đầu tư 1 km đường trong khi các nước khác đã đầu tư nhiều trăm triệu USD.
Để xây dựng được Chính phủ điện tử, nhiều nước đã tập trung nỗ lực xây dựng Cổng TTĐT Chính phủ, trong đó, hạt nhân cơ bản là phải xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ trên internet. Như Hàn Quốc chẳng hạn - đã xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hiện được quốc tế đánh giá cao và nhiều nước đang phát triển ở châu Á, nhất là các nước ASEAN nghiên cứu, học tập - đến nay họ đã xây dựng thành công 2 Trung tâm dữ liệu điện tử Chính phủ đặt tại 2 thành phố lớn là Daejeon và Gwangju với hàng trăm nghìn máy tính, với số lượng máy chủ có cấu hình mạnh lên đến hàng nghìn chiếc.
"Chúng tôi cũng có khuyến nghị: Đồng thời với việc triển khai Phương án nâng cấp, phát triển Website Chính phủ lên Cổng TTĐT Chính phủ, cần xây dựng Chiến lược phát triển dài hơi Cổng TTĐT Chính phủ, tầm nhìn đến năm 2020", ông Hoàng Minh Hải nói.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn và Tiến sỹ Lê Phước Dũng cho biết "để hoạt động Cổng TTĐT Chính phủ đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi của người truy cập, phải đầu tư mạnh hơn nữa, mức đầu tư như Phương án nêu ra cho cả 3 năm là thấp, chưa bằng xây dựng 1 km đường cao tốc".
Tổng Biên tập Phạm Việt Dũng cho biết, đây là bước nâng cấp trước hết: Phục vụ mục tiêu chuyển hoạt động của Website Chính phủ sang giai đoạn Cổng. Vì vậy, quy mô đầu tư vừa mức, thiết bị phù hợp, lấy tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả làm phương châm xuyên suốt.
Theo lộ trình đã xác định, Cổng TTĐT Chính phủ đang xây dựng Đề án phát triển Cổng TTĐT Chính phủ giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020, trong đó trọng tâm là xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ trên internet có quy mô hiện đại, tương xứng với một nước Việt Nam đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào khu vực và thế giới.